Baby blues và trầm cảm sau sinh khác nhau như thế nào?
Trên thực tế, có khoảng 70-80% các bà mẹ sau sinh sẽ bị mắc hội chứng “baby blues” – trạng thái khóc lóc, ủ rũ sau sinh. Còn tỉ lệ phụ nữ sau sinh bị trầm cảm sau sinh chỉ ở mức 10-20%. Những ảnh hưởng của hội chứng “baby blues” xuất hiện khoảng 2 tuần sau sinh. Nhưng cá biệt có những trường hợp sẽ kéo dài dai dẳng với những cảm xúc mãnh liệt hơn nhiều.
Hội chứng “baby blues” do đâu?
Nguyên nhân của tình trạng này là do những thay đổi nội tiết tố sau sinh gây nên. Ở phụ nữ hormone estrogen và progesterone tăng cao trong các giai đoạn khác nhau của thai kỳ. Tuy nhiên, sau sinh, chúng lại đột ngột giảm mạnh. Chính quá trình sinh học thần kinh này dẫn đến tình trạng khóc lóc và ủ rũ sau sinh.
Cùng với đó, với những bà mẹ sinh con lần đầu, những đau đớn cũng đủ khiến họ cảm thấy mệt mỏi. Ngoài ra, những vết thương sau sinh, bất tiện trong tiêu tiểu sinh hoạt… sẽ khiến một số mẹ không được dễ chịu. Để giảm bớt những áp lực tâm lý, các mẹ hãy nhờ đến sự giúp đỡ của chồng mình hoặc người thân nếu các mẹ cảm thấy khó khăn khi cho con bú, bị thiếu ngủ, hoặc đau đớn….
Hoặc mẹ cũng có thể nhờ đến những dịch vụ chăm sóc sau sinh để nhận được sự hỗ trợ. Và có thêm thời gian thư giãn giảm căng thẳng mệt mỏi. Cùng với đó, nếu căn thẳng trong việc chăm sóc bé, mẹ cũng nên nhờ đến sự hỗ trợ từ các đơn vị chuyên nghiệp để hỗ trợ chăm sóc bé tốt nhất.
Sự khác nhau giữa hội chứng “baby blues” và trầm cảm
Hội chứng “baby blues”
Các mẹ muốn khóc và khóc hàng tiếng đồng hồ trong ngày. Một sự việc nhỏ cũng dễ khiến bạn bị tổn thương sâu sắc. Các triệu chứng xuất hiện trong khoảng hai tuần sau sinh. Tâm trạng bất ổn, luôn cảm thấy chán nản, buồn phiền, cáu gắt, lo âu, thiếu tập trung hoặc sống quá nhiều cho những cảm xúc nhất thời.
Trầm cảm sau sinh
Các triệu chứng kéo dài hơn hai tuần sau sinh, triệu chứng tương tự như “baby blues” nhưng nặng nề hơn nhiều và ảnh hưởng đến các hoạt động khác.Luôn lo lắng, buồn bã hoặc khóc lóc rất nhiều. Nhiều bà mẹ tự thu mình, không giao tiếp, khó chịu với những người khác, luôn có cảm giác tội lỗi vì bản thân không đủ năng lực hoặc thiếu quan tâm đến em bé; thói quen ăn uống và ngủ nghỉ thay đổi; rất khó tập trung suy nghĩ; sống trong cảm giác tuyệt vọng và thậm chí đôi khi còn xuất hiện suy nghĩ làm hại chính mình hoặc em bé; luôn bị ám ảnh và hoảng sợ điều gì đó; không quan tâm đến các hoạt động bình thường; không đủ năng lực để chăm sóc em bé hoặc lo lắng thái quá về sức khỏe của con.
Trầm cảm sau sinh thường xuất hiện trong khoảng 2-3 tháng đầu sau sinh con nhưng cũng có thể xảy ra tại bất kỳ điểm nào sau khi chuyển dạ.
Nói chung, nếu sau hai tuần sinh mà các mẹ có các triệu chứng lo âu và trầm cảm vẫn còn kéo dài, hãy chia sẻ vấn đề của mình với người thân và các bác sĩ để được chăm sóc đúng cách